1. Muốn thành công, mắt phải “sáng”, tay chân phải “khỏe”, da phải “dày”
Ngày xưa, có một chàng trai trẻ, học thức cao nhưng lại không thích làm quan.
Cậu ta muốn đi theo con đường kinh doanh, nhưng thời đó trong 4 giới sĩ, nông, công, thương thì thương nhân là tầng lớp khiến người ta xem thường nhất.
Lần cuối, xin phép cha mẹ không thành, cậu ta bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà. Lúc mới đi, lúc nào trong đầu cậu ta cũng nghĩ thầm: “Nhất định phải mau thành công để quay về chứng tỏ với cha mẹ.”
Tuần đầu tiên, cậu ta dùng hết số tiền đem theo để kinh doanh đồ gốm nhưng thất bại. Vì để kiếm chén cơm ăn, nên cậu ta đành phải đi làm phục vụ ở một quán ăn.
Làm thuê ở đó chưa được một tháng, cậu ta đã bực dọc bỏ đi vì bị vài người quen trông thấy cười nhạo.
Lần này, cậu ta quyết tâm lội qua làng khác, xin làm bốc vác ở bến cảng. Nhưng trước giờ chỉ lo học tập, không được mạnh khỏe như người ta, chẳng mấy chốc cậu chàng đã bị đuổi việc.
Chưa đầy 3 tháng, cậu ta đã phải đổi rất nhiều công việc, nhưng không có công việc nào thành thạo, muốn kiếm tiền nuôi thân còn khó, chứ đừng nhắc đến chuyện kiếm vốn làm ăn. Có những công việc là do cậu ta không đủ sức khỏe, phần còn lại là do bị cười nhạo, nên cậu ta không nhịn được tự mình xin nghỉ.
Cuối cùng, chàng trai đành phải lủi thủi về nhà, xin lỗi cha mẹ và tiếp tục con đường học tập, thi thố của mình.
Ngày nay, có không ít người trẻ giống như chàng trai kia. Khát vọng và hoài bão rất lớn lao nhưng khả năng chịu đựng còn kém hơn một chiếc thuyền mang buồm rách đang đương đầu trước gió.
Đừng mù quáng nữa, bạn muốn thành công, mắt bạn phải “sáng”, tay chân phải “khỏe”, da cũng phải “dày”.
Nói thế nghĩa là gì?
Mắt “sáng” để nhìn rõ việc nào là thích hợp với mình, đường nào là đúng hướng, lựa chọn nào là thông minh.
Tay chân “khỏe” là người còn sức lao động, dù bạn đang làm công việc tri thức hay chân tay đi nữa, sức khỏe luôn là điều quan trọng nhất. Không có sức khỏe thì dù có thông minh đến đâu cũng phải “bó gối” trên giường bệnh.
Da “dày” ở đây nói về hai ý: Thứ nhất, da mặt phải dày, xông xáo ra đời thì đừng quá xem trọng sĩ diện. Thứ hai: khả năng chịu đựng phải cao, có thế mới không dễ bị khuất phục trước mọi hoàn cảnh.
2. Muốn thành nhân, bản thân cần trở thành “thùng rác không đáy”
Tôi có quen một anh bạn, là bạn tri kỉ gắn kết từ thuở còn học mẫu giáo. Anh ta là một người mà tôi rất kính nể. Bởi vì dù có trải qua bao đau thương, cay đắng, trắc trở của cuộc đời; dù có đang đứng trên đỉnh cao danh vọng và tiền tài đi nữa, anh ta vẫn có thể giữ được bản chất “nhân chi sơ, tính bản thiện” của mình.
Thời gian không thay đổi được tâm hồn anh ta, kẻ xấu cũng không đồng hóa được con người anh ta.
Là bạn thân từ thuở nhỏ, tôi biết anh ta có cuộc đời lận đận y hệt mấy vai nam chính trong phim dài tập mà có kể ra nhiều người cũng không tin nổi.
Cha ngoại tình, mẹ mất, sống với bà đến năm 15 tuổi thì trở thành trẻ mồ côi. Cấp ba, một mình anh ta dùng học bổng tự nuôi sống và học tiếp.
Anh ta không học đại học, nhưng cùng bạn bè dùng tiền tích cóp được mở một studio chụp ảnh. Kết quả, bị bạn lừa mất trắng tay, người con gái anh ta thích cũng xa lánh.
Có lần, tôi từng nghiêm túc phỏng vấn một câu:
“Lý do giúp anh có thể đạt được ngày hôm nay là gì?”
Anh ta chỉ cười đáp: “Không muốn bị trầm cảm nên phải cố mà trầm tĩnh. Mà con người ấy à, chỉ có trầm tĩnh mới có thể đủ sáng suốt suy nghĩ vấn đề, không làm ra những chuyện ngu ngốc.”
Tôi giật mình bảo anh ta trả lời nghiêm túc một chút. Thế là anh ta lại tiếp lời:
“Nếu muốn thành công, trước tiên cần biến bản thân thành cái thùng rác không đáy trước đã…”
Phải rồi, trong cuộc đời này, bạn không phải thần tiên, sẽ không có khả năng tiên đoán tương lai hay có phép thuật ngăn cản mọi điều xấu đến với mình. Khi mới vào đời, dùng cách nói khác có phần hơi nặng nề, đó chính là chúng ta chỉ như một cái sọt rác bị động, mặc người khác ném vào đó những ác ý, chế giễu, ganh ghét, đố kỵ…
Thùng rác không tự nó hất đổ được, cũng như bạn không thể kiểm soát miệng lưỡi của người khác được.
Nhưng bạn có thể kiểm soát trí tuệ và tâm thức của mình. Một cái tâm rộng lớn, bao la để nhìn đời thấu triệt và tích cực.
Đối với người khác, “thùng rác không đáy” chỉ là thứ đồ hư hỏng, đáng bị vứt đi. Nhưng nếu là bạn, “lỗ hổng” ấy đôi khi lại là một “lối thoát”, là “ống kính” thứ hai để bạn nhìn ra thế giới, tìm lại cuộc đời mới.
Bạn không bị gói gọn hay mặc định trong một khuôn khổ nào. Bạn cũng không cần bận lòng vì thành kiến phiến diện hay thị phi mà người khác cố tình “vứt vào.” Bạn không dễ dàng bị người khác đồng hóa thành kẻ ác vì những lời ác ý.
Bạn là chính bạn, bạn tự sáng tạo ra một “cửa thoát hiểm” cho riêng mình, bạn kiểm soát được tâm hồn và trí tuệ mình, bạn hiểu rõ đi đường nào là đúng hướng.
Bạn là “chiếc thùng rác không đáy”, cực khổ hay khó khăn đều không làm khó được bạn, nỗi buồn hay tự ti đều không thể bám trụ trong lòng bạn, sự tiêu cực không thể tồn tại lâu trong trí óc bạn.
Và bạn đủ sáng suốt để nhận ra điều mình đang làm, đủ nghị lực để cố gắng hết mình vì mục tiêu đã đặt, đủ bình tĩnh để giải quyết mọi phiền toái xảy ra bất ngờ, và đủ lương thiện để ông trời ban cho bạn một kết quả tuyệt vời.
Nếu không muốn trở thành cái thùng rác của người khác, hãy trở thành cái thùng rác không đáy của chính mình, để khi thành công có thể trở thành tấm gương phản chiếu không bụi bặm!